Việt Nam: Canh tác đa canh – chìa khóa cho nghiên cứu cà phê thích ứng biến đổi khí hậu

© Agri-Logic

Nông dân trồng cà phê tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, có thể giảm “dấu chân các bon” thông qua việc trồng xen  cà phê với các loại cây trồng khác, theo số liệu mới tổng hợp được từ Chương trình Sáng kiến Cảnh quan bền vững (ISLA) của  Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH, do Agri-Logic biên soạn và  dựa trên số liệu của các công ty kinh doanh cà phê như JDE Coffee,  Lavazza, Olam và Acom.

phương pháp canh tác này kết hợp với cải thiện tình trạng sử dụng nước và phân bón có thể làm giảm đáng kể tác động của  biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê. Bằng cách đa dạng hóa sản xuất, người nông dân cũng có thể đa dạng hóa được nguồn thu và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu “Nguồn thải hay nguồn thu? Dấu chân các bon của cà phê Robusta Việt Nam” được thực hiện trong bối cảnh các báo cáo chỉ ra rằng mực nước thấp và hạn hán tại Việt Nam có thể làm giảm đáng kể sản lượng cà phê trong năm nay .[1]

Ông Daan Wensing, Giám đốc Chương trình Sáng kiến cảnh quan bền vững của IDH cho biết:

 “Biến đổi khí hậu là một đe dọa đòi hỏi phải xem xét lại ngay các hệ thống canh tác, trong đó có sản xuất cà phê. Số liệu này cho thấy đa dạng hóa các trang trại cà phê là chìa khóa giúp nông dân và cộng đồng trồng cà phê có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn và sản xuất cà phê bền vững hơn. Cùng với việc sử dụng phân bón và nước hiệu quả hơn, đa dạng hóa phải đi đầu trong nỗ lực làm cho sản xuất cà phê dương các bon”

Sản xuất cà phê mang lại lợi ích kinh tế lớn cho khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, nơi cung cấp 95% sản lượng cà phê cả nước nhưng đồng thời cũng là  nguồn phát thải các bon do sử dụng lượng phân bón, nước và năng lượng đáng kể.

Các trang trại trồng độc canh cây cà phê là nguồn thải các bon ròng. Để sản xuất được 1 tấn cà phê tương ứng với việc thải 0,37 tấn CO2 ra không khí mỗi năm.

Ngược lại, các trang trại trồng cà phê theo phương thức đa canh là bể chứa các bon do phương pháp này giúp triệt tiêu 0,16 tấn CO2 khỏi bầu khí quyển mỗi năm tính trên mỗi tấn cà phê thu được. Các trang trại này tạo ra lượng sinh khối lớn hơn, từ đó cô lập nhiều CO2 hơn lượng phát thải trong quá trình sản xuất.

Một số ít các trang trại độc canh có loại bỏ CO2, được cho là nhờ sử dụng phân bón hiệu quả hơn – nguyên nhân phát thải các bon hàng đầu trong canh tác cà phê.

Nghiên cứu được thực hiện trong hai năm và phân tích dấu chân các bon của quá trình sản xuất cà phê robusta (cà phê vối) được tiến hành tại 300 trang trại thuộc hai tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Thông qua Sáng kiến cảnh quan bền vững (ISLA) tại Việt Nam, IDH phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương, các công ty tư nhân và các hộ nông dân quy mô nhỏ nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giảm dấu chân các bon, tối ưu hóa việc sử dụng nước,phân bón và thích ứng biến đổi khí hậu.

IDH khuyến nghị nông dân sử dụng mô hình canh tác đa canh với mật độ tán cây trồng không phải cây cà phê tối thiểu là 30%. Điều này sẽ duy trì sản lượng cà phê hàng năm ở mức 3 tấn/ha. Tiêu, sầu riêng và bơ được cho là những loài cây phù hợp nhất để trồng xen canh ở mật độ này.

Bà Trần Quỳnh Chi – Quản lí Chương trình Sáng kiến cảnh quan vền vững và Cà phê của IDH tại Việt Nam bổ sung:

“Nghiên cứu này đã chỉ ra những tác động tích cực về môi trường của hệ thống xen canh cà phê với 1 số cây trồng phù hợp. Xuất phát từ thực hành tự phát của nông dân nhằm tìm kiếm các nguồn thu nhập bên ngoài cây trồng chính là cà phê, các hệ thống này đã được IDH cùng các đối tác tư nhân tổng kết lại thành những hệ thống phù hợp và nhân rộng  nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân.”

Ông Wensing kết luận rằng:

 “Đa dạng hóa là khái niệm đang phổ biến tại Việt Nam. Do ngày càng nhiều nông dân áp dụng mô hình canh tác này và các phương pháp canh tác nông-lâm kết hợp, nên số lượng trang trại đóng vai trò như các bể chứa các bon sẽ gia tăng, trở thành yếu tố quan trọng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”

Tải báo cáo tại đây